Cứu người đuối nước: Phương pháp Xưa & Nay

“Tôi viết bài này để trả lời những ai phản đối tôi trong bài viết trước, dù rất mất thời gian nhưng tôi thấy cần thiết phải nói ra. Thời gian này tôi định không viết về COVID-19 nữa. Nhưng đại dịch sẽ lại bùng lên như đám cháy. Tôi dự đoán, cuối tháng 12 trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng hơn 20 ngàn ca nhiễm, COVID-19 nếu không hiểu nó thì sẽ còn ám ảnh rất lâu.

Tôi băn khoăn không biết nên viết tiếp về những chủ đề hấp dẫn, hay quay lại với COVID-19, với những câu chuyện nóng như tiêm nhầm vaccine cho 18 bé chẳng hạn” – Bác sĩ Trần Văn Phúc.

 

Chuyện về những con thuồng luồng

“Một ngày nọ, lũ quái vật thuồng luồng tổ chức bữa tiệc ăn mừng bắt trẻ con, trong cuộc vui chúng đua nhau khoe thành tích. Chỉ có quái vật thuồng luồng nhỏ tuổi nhất trốn trong góc và im lặng. Thì ra quái vật thuồng luồng lớn hơn bắt được rất nhiều trẻ, trong khi thuồng luồng nhỏ bắt được ít hơn, nên rất buồn”.

“Thuồng luồng nhỏ quyết định hỏi kinh nghiệm”

“Con thuồng luồng đầu đàn nói rằng không khó để bắt được một đứa trẻ, miễn là nhắm đến những đứa liều lĩnh bơi dưới nước một mình. Nếu có nhiều đứa trẻ đứng trên bờ, thì hãy để một vài đứa bơi tốt nhất thoả chí vui đùa trong nước, những đứa còn lại thấy bạn bơi quá dễ dàng nên nhảy xuống. Khi đó, thuồng luồng chỉ cần rút chân một đứa, ngay lập tức những đứa bơi tốt hơn sẽ lao đến cứu, nhưng vì không đủ sức và kĩ năng, tất cả lũ trẻ cùng chết chìm”.

Đó là câu chuyện bà ngoại kể cho tôi từ hồi còn rất nhỏ.

Những năm tháng tuổi thơ sống ở quên nhà, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ chết đuối, để mỗi khi định thò chân xuống mặt nước, tôi lại hình dung đang có những con thuồng luồng ẩn lấp rất sâu, chúng trực chờ rút chân bất cứ đứa trẻ nào.

Bà ngoại nói với tôi rằng, để không bị thuồng luồng rút chân, thì tôi phải học bơi thật giỏi. Thực tế việc tập bơi không hề khó. Trẻ con trong xóm dạy nhau đứa nào cũng biết bơi. Nhưng vẫn nhiều đứa chết chết đuối, kể cả đứa bơi giỏi nhất, có những cái chết bà ngoại chẳng thể giải thích nổi để tôi hiểu; cho đến khi tôi lớn lên và tự tìm câu trả lời.

Những ngày qua, câu chuyện về một cháu bé 7 tuổi ở Thanh Hoá bị đuối nước, được thượng uý công an cứu sống bằng cách thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực; đó là một câu chuyện rất xúc động. Nhưng có một chi tiết, thiếu uý công an đã cầm hai chân cháu bé dốc ngược ra đằng sau, rồi chạy quanh sân. Đây là động tác cấp cứu sai. Trước đây, kinh nghiệm dân gian chữa đuối nước là dốc ngược như vậy, thậm chí cầm hai chân quay vòng tròn để tháo hết nước, nhưng y học hiện đại đã chỉ ra rằng cách này không hiệu quả, thậm chí làm hại nạn nhân.

Thật tiếc nhiều người vẫn tin vào phương pháp lật ngược

Trong lịch sử, lật ngược là một phương pháp chữa người chết đuối trong y học cổ, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tống Tư Tại, một danh y thời nhà Tống, trong sách “Tẩy oan tập lục” ở mục “Cứu nịch bí quyết” nói về phương pháp cứu người chết đuối, ông viết rất rõ.

Theo sách: “Hữu khuất tử nhân lưỡng túc trước nhân khiên thượng, dĩ tử nhân bội thiếp sinh nhân bội đảm tẩu, thổ xuất thuỷ tức hoạt – Giữ hai chân người chết đuối trên vai, thả phần thân người chết đuối ra sau lưng và chạy, đợi nước phun ra là sống”.

Nguy Diệc Lâm, danh y thời nhà Nguyên trong sách “Thiên kim phương bị cấp – Đơn thuốc ngàn vàng trong tình huống khẩn cấp” cũng hướng dẫn cách dốc ngược như vậy.

Ngay cả đến thời Trung Hoa Dân Quốc, cũng có ghi chép tương tự trong sách “Thanh niên tu dưỡng châm ngôn”. Nội dung hướng dẫn rất cụ thể: “Khả dĩ thương tử giả hoành ngoạ ư thiên bội thượng, khiên ngưu tẩu động, phúc trung chi thuỷ tự nhiên hội thung khẩu trúng lưu, tái dụng sinh khương thang hoán hạ bình dụng sinh khương cơ toàn, mạn mạn khả dĩ cứu hoạt, như quả một ngưu, khả dĩ nhượng hoạt nhân y thượng bội khởi khinh đảo, hiệu quả canh giai. Hoặc dụng nhất khẩu đại oa nhượng cơ ngoạ ư đại oa thượng, tá dụng nhất dạng”.

Nghĩa là: Để nạn nhân nằm úp trên lưng bò, điều khiển cho bò chạy, nước trong bụng tự nhiên chảy ra. Dùng nước gừng đổ vào miệng, dùng nước gừng dội vào người để hồi tỉnh từ từ. Nếu không hiệu quả, thì một người nhảy lên lưng, thậm chí người đó cưỡi trên lưng trâu đang chạy, thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Có thể dùng cái nồi to, thay cho lưng trâu, thì hiệu quả cũng tương tự”.

Thực ra phương pháp này giống như “mèo mù vớ phải chuột chết”.

Y học Trung Quốc khi xưa không thể hiểu rõ nguyên lí thở và tuần hoàn máu, chỉ dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm, nên không thực sự hiệu quả. Những đứa trẻ được cứu, có thể do mới bị đuối nước trong thời gian ngắn, nhịp tim và nhịp thở chưa dừng hẳn.

Vậy đâu là cách làm đúng?

Cách làm đúng là khi cứu người chết đuối lên khỏi mặt nước, cần nhanh chóng lấy dị vật trong khoang miệng và mũi để giữ cho đường thở không bị tắc nghẽn. Sau đó nhanh chóng kiểm tra xem nhịp thở và nhịp tim của người đuối nước đã ngừng chưa, nếu có hiện tượng này thì phải tiến hành ép tim và thổi ngạt ngay lập tức.

Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Không ngừng ép tim và hô hấp nhân tạo trong quá trình vận chuyển.

Khi người chết đuối bị sặc nước, theo phản xạ ngay lập tức nắp thanh quản đóng lại, nước tràn vào phổi rất ít. Nạn nhân uống no nước vào dạ dày. Nguyên nhân chết không phải dạ dày chứa đầy nước, mà chết vì thiếu Oxy, nên biện pháp dốc ngược chạy quanh sân như thượng uý công an làm, hay như các sách y học cổ điển Trung Quốc đã dạy, sẽ không có tác dụng.

Ngay cả khi phổi có một ít nước, thì dốc ngược cũng không thể ra được, nước trong phổi chỉ có thể hấp thụ vào máu khi nạn nhân thở được trở lại.

Dốc ngược chỉ làm mất cơ hội cứu sống.

Đặt nạn nhân nằm ngửa, lòng bàn tay đặt lên trán ấn xuống, tay kia nâng cằm lên và cho nạn nhân há miệng. Bịt mũi nạn nhân. Hít hơi thật sâu, ngậm vào miệng nạn nhân và thổi trong 1 giây hết sức, làm như vậy 2 lần. Lòng bàn tay đặt vào điểm giữa hai núm vú, tay kia đè lên mu với các ngón tay đan xen vào nhau, thực hiện ép tim 30 lần, độ sâu khoảng 5cm; làm liên tục như vậy, có thể kéo dài hàng tiếng cho đến khi nào nạn nhân thở lại thì mới dừng.

Y học hiện đại chỉ ra rằng, khi ép hai bàn tay sâu 5cm xuống quả tim như vậy, áp lực trong lồng ngực tăng lên, máu sẽ chảy từ tim đến các động mạch, trong khi máu không thể tràn vào tĩnh mạch bởi có van một chiều. Khi thả tay ra, áp lực trong lồng ngực giảm xuống, máu từ các tĩnh mạch đổ về tim làm đầy tâm thất.

Nhưng vậy quả tim giống như đang đập.

Khi thổi một luồng không khí vào phổi qua miệng nạn nhân, nghĩa là cung cấp Oxy cho máu, như vậy đảm bảo vòng tuần hoàn Oxy vẫn hiệu quả. Khi não bị thiếu Oxy sẽ cực kì nguy hiểm. Vì thế mà thời gian là vàng, phải nhanh chóng ép tim và thổi ngạt, để nạn nhân có cơ hội sống sót và giảm thiểu tối đa di chứng sau này.

✓ Màu xanh = 0 phút thiếu Oxy.

✓ Màu vàng = 2 phút thiếu Oxy: Tế bào não bắt đầu tổn thương nhưng vẫn có thể hồi phục.

✓ Màu cam = 5 phút thiếu Oxy: Tế bào nào chết đi không còn khả năng hồi phục.

✓ Màu đỏ = 10 phút: Nhu mô não bị tổn thương nghiêm trọng, để lại những di chứng, không còn khả năng hồi phục tế bào não đã chết.

Rõ ràng, thổi ngạt và ép tim là cách tốt nhất để cung cấp Oxy cho nạn nhân ngừng thở ngừng tim, nó đảm bảo duy trì sự an toàn tối thiểu cho đến khi nạn nhân được cứu sống.

Ngược lại, phương pháp dốc ngược, dù là đặt chân nạn nhân lên vai để chạy, hay cho nằm vắt ngang lưng trâu, nằm trên chiếc nồi cứng hay có người đứng dập dình, thì đều không thể cung cấp Oxy vào máu, cũng rất khó để trái tim rung động mà đập trở lại.

Tôi cho rằng dốc ngược đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Hãy để y học hiện đại cất tiếng nói, cần phải cứu nạn nhân đuối nước bằng y thuật dựa trên cơ sở khoa học, ở thời đại chúng ta bay lên cung trăng sao hoả thì không thể mãi áp dụng kinh nghiệm cổ xưa không còn phù hợp.

Có hai yếu tố quan trọng để cứu người chết đuối: một là, làm thế nào để nhanh chóng giải cứu nạn nhân lên khỏi mặt nước; hai là nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi nhân tạo, tức là thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Mỗi ngày Việt Nam có 5 trẻ chết đuối

Đó là con số đã rất đáng mừng, sau bao tháng ngày nỗ lực phấn đấu nhằm giảm số ca tử vong do chết đuối, thì đến nay mỗi năm có gần 2000 trẻ tử vong. Bất cứ nơi nào có nước đều xảy ra chết đuối. Để không bị chết, bắt buộc chúng ta phải dạy trẻ hai điều, một là phải biết bơi, hai là phải có kĩ năng cứu và chữa người bị đuối nước.

Tôi đến các nước phát triển và thấy, hệ thống giáo dục ở đó bắt buộc học sinh từ cấp tiểu học đến lớp 12 phải tập bơi trước khi học các môn thể thao khác, phải học cách giải cứu và xứ trí nạn nhân đuối nước trước khi học các kĩ năng sống khác.

Thật tiếc chúng ta làm ngược lại.

Tuổi ấu thơ của tôi, những bài tập bơi do chính bọn trẻ con trong xóm dạy, kĩ năng phòng tránh đuối nước chỉ là những câu chuyện bà ngoại kể. Hình ảnh con thuồng luồng vẫn ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ. Bởi những kí ức nhiều lần tôi bị tôi bị rơi xuống nước và chết đuối, kí ức khi tôi cứu đứa bạn cùng tuổi đang chấp chới giữa dòng nước xiết, kí ức không biết bao nhiêu lần tôi bị lũ bạn dìm xuống dòng sông và uống no nước.

Mỗi năm sẽ có 2000 đứa trẻ bị chết nếu chúng ta thờ ơ.

Ở những nước mà tôi đã từng đến, cứu chữa nạn nhân bị chết đuối chẳng có gì là to tát với tất cả người dân, phòng chống và xử trí tai nạn thương tích là điều tất yếu ai cũng phải thành thạo.

Điều tôi ấn tượng khi đến các nước là, tất cả tài xế taxi và xe buýt, lính cứu hoả và cảnh sát, họ đều biết đỡ đẻ thuần thục. Nếu một phụ nữ vỡ ối trên xe taxi, tài xế biết khám cổ tử cung đánh giá mở hết, biết ngôi thai đang lọt, biết cách đỡ em bé và cắt rốn, biết đánh giá chỉ số Apgar nếu trẻ không khóc thì phải làm gì, nếu bị ngạt thì hồi sức tim phổi sơ sinh tại chỗ như thế nào.

Tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Rocco Morabito, tác phẩm có tên “Nụ hôn của sự sống – The kiss of life” đã ghi lại khoảnh khắc một công nhân sửa điện bị ngừng thở ngừng tim ngay trên đỉnh cột. Mạng sống được tính bằng giây bằng phút. Đồng nghiệp của anh, thay vì đưa nạn nhân xuống đất, đã thổi ngạt và ép tim tại chỗ; chỉ có sự hiểu biết và kĩ năng sơ cấp cứu tuyệt vời như  mới làm cho trái tim nạn nhân đập trở lại.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi

Ngày xưa loài người bất lực trước sự hung bạo của tự nhiên, ngày nay khoa học giúp chúng ta bay được lên cung trăng sao hoả, biết cách thoát khỏi nhiều tai hoạ. Vậy hà cớ gì chúng ta phải ngồi im nhìn 2000 trẻ chết đuối mỗi năm?

Bởi vì, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được, nếu không may có trường hợp bị đuối nước thì bằng sự hiểu biết và kĩ năng chúng ta có thể cứu sống được một cách ngoạn mục, nhưng nếu cứ lưu giữ những kĩ năng lạc hậu thì hàng ngàn sinh mạng sẽ phải trả giá.

Bác sĩ TRẦN VĂN PHÚC