Cuốn sách doanh nhân nên đọc “Một Đời Quản Trị” của Giáo sư Phan Văn Trường

Đã tròn 1 năm 6 tháng mình nhờ mua và gửi qua Pháp quyển “Một đời quản trị” của thầy Phan Văn Trường. Đây là quyển sách mình tâm đắc nhất trong những sách viết về quản trị từ khi ra kinh doanh.

Lần đầu tiên cầm cuốn sách trên tay, mình đọc một lèo hết trong ngày, đánh dấu và ghi chú những câu, những ý mình tâm huyết, học hỏi và mong muốn áp dụng trong doanh nghiệp của mình. Với mình, cuốn sách như một cuốn cẩm nang cho những ai yêu nghề quản trị, tâm huyết với phong cách quản trị lành mạnh, vị nhân sinh.

Đọc “Một đời quản trị”, bạn sẽ thấy đây là một tác phẩm tâm huyết mà tác giả “rút ruột” viết ra từ những trải nghiệm cả một đời làm quản trị cấp cao đầy vinh hiển nhưng cũng thẫm đẫm vất vả gian truân. Cuốn sách như một người bạn tri kỷ không phải chỉ để đọc một lần. Mỗi khi gặp bế tắc trong kinh doanh, gặp khó khăn trong một tình huống quản trị nào đó, lật mở vài trang, mình lại tìm được sự đồng cảm, động viên của “anh Phan” với giọng nói chân tình, ấm áp, sẻ chia.

Nếu bạn đang tìm một cuốn về quản trị với những trải nghiệm thực của một doanh nhân Việt ở tầm cỡ toàn cầu, đây chắc chắn là cuốn sách nên có trong tủ sách của bạn. Bản thân mình cũng mua tặng rất nhiều bạn hữu với mong muốn lan toả luồng gió quản trị lành mạnh, gương thành công, truyền cảm hứng mạnh mẽ của người Việt ở tầm cỡ thế giới.

Trong khuôn khổ một bài viết, thật khó có thể lột tả hết những tinh tuý của quyển sách. Mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng tuỳ theo nhân sinh quan, hoàn cảnh quản trị của mình. Dưới đây là những điểm mà mình tâm đắc:

NGHỆ THUẬT QUẢN TRỊ: BẨM SINH HAY DO RÈN LUYỆN

Tác giả coi quản trị là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật mỗi nghệ thuật đều có những kỹ thuật đặc trưng có thể học được, ví như ai cũng có thể học chơi piano, học hội hoạ vv. Tuy nhiên để trở thành nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ thăng hoa thì yếu tố bẩm sinh và lòng đam mê cũng rất quan trọng. Có lẽ chỉ đam mê mới khiến người nghệ sỹ dâng hiến cả đời mình cho môn nghệ thuật mình yêu mến. Nghệ thuật quản trị cũng vậy. Khi đó người ta không làm nghề mà sống với nghề.

PHÂN BIÊT GIỮA QUẢN LÝ VÀ QUẢN TRỊ

Chúng ta thường nhầm lẫn giữa Quản lý với Quản trị. Nhất là khi doanh nghiệp còn nhỏ, chúng ta thường phải đảm nhiệm cả hai vai trò: Quản lý & Quản trị.

“Quản lý thì có thể áp dụng những mô hình doanh nghiệp đã được thử nghiệm trên thế giới, phân bổ công việc hiệu quả nhưng quản trị thì đòi hỏi phải đi sâu vào lòng người, nắm bắt năng lực thật sự của những cộng sự sát cánh với mình, gắn kết giữa người với người. ” – GS Phan Văn Trường.

LẤY THƯỚC ĐO ĐỂ QUẢN LÝ, LẤY LƯƠNG TRI ĐỂ QUẢN TRỊ

Quản lý là quản lý công việc.

Quản trị là quản trị con người.

Quản trị doanh nghiệp chính là quản trị con người.

Quản trị tốt chỉ có: Động lực, Động lực và Động lực.

Đến đây, mình thấy tiếng Việt rất hay khi dùng chữ “Nhân Sự” nghĩa là những sự việc liên quan đến con người. Ý nghĩa này hay và coi con người là một chủ thể toàn diện, hay hơn chữ “Humain Ressource” trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, nghĩa là coi con người như công cụ là một nguồn lực của doanh nghiệp bên cạnh những nguồn lực khác: tài chính, tri thức, nhà xưởng vv.

Có lẽ vì thế, bằng những trải nghiệm thực tế của mình, tác giả đã trích dẫn ở bìa sách như sau:

“Đố ai đếm đủ vì sao.

Đố ai quản trị có bao nhiều tình”

Người ta có thể đo đếm thành công của một người bằng chức phẩm, số tiền người đó thu về nhưng làm sao có thể đo đếm cái tình, cái tâm người đó đặt vào việc anh ta làm?

GIA NHẬP VÀ CHIA TAY

Hầu hết các doanh nghiệp Tây cũng như Ta, mỗi khi đón người mới thì hồ hởi kèn trống, khi ra đi thì lại lặng lẽ, âm thầm có khi lén lút như phải tội.

“Có thể nói chắc chắn rằng sự cộng tác của nhân viên trong những năm làm việc với công ty thành công hay thất bại, tốt hay xấu, hiệu quả hay vô nghĩa, chân thành hay giả dối đều tuỳ thuộc vào cách cư xử từ công ty khi họ được công ty tuyển vào hoặc mời ra…”

“Hãy làm cho nhân viên cảm nhận rằng họ là thành viên của gia đình doanh nghiệp, không hơn không kém, mỗi người một việc, mỗi người một vị trí, mỗi cá nhân một trách nhiệm, nhưng người nào cũng là thành viên quý của đại gia đình!… Có ngày vào thì có ngày chia tay, theo quy luật tự nhiên của hệ thống. Nhưng đã là thành viên trong gia đình thì là thành viên vĩnh viễn. Đến ngày ra đi, công ty sẽ chuẩn bị hành trang cho bạn từ trước, không những bạn sẽ bỏ một việc có thể đã chán ngán, mà bạn sẽ nắm được cơ hội mới để tiến theo sở trường mới.”

Triết lý này của tác giả giúp mình củng cố và tự tin rất nhiều trong những cuộc chia tay. Mỗi khi công ty có nhân viên có nguyện vọng ra đi, mình đều coi đó là lẽ tự nhiên và giúp đỡ hết sức để các bạn có thể ổn định nhanh nhất ở cuộc sống mới. Bởi vậy mà mỗi buổi chia tay đều đọng lại chút tình. Camille, Coralie, Nghĩa, Hoàn và sắp tới là Lisa, khi đã dời đi vẫn thường duyên theo dõi, hỏi thăm từng bước tiến của Obobun. Mỗi lần ghé lại Grenoble đều ghé chào mọi người như trở về với một gia đình.

Mình vẫn nhớ trong một bài giảng của thầy trên edumall ở phần kết luận như sau:

“Các em ạ, dù chúng ta kinh doanh gì, thành công đến đâu, xét cho cùng chúng ta cũng là những con người với nhau. Vậy làm sao để tất cả những gì đọng lại là một chút tình người.”

Ở mức độ doanh nghiệp nhỏ của mình, thì những gì trên đây là quý giá nhất. Còn rất nhiều kiến thức hay về Văn hoá doanh nghiệp, Chiến lược, M&A .. mà mình chưa có đủ kiến thức, trải nghiệm thực tế để bình luận. Chắc chắn đó sẽ là những kiến thức quý báu cho nhưng ai đang cần đến những mảng này.

Nếu ví Nghệ thuật quản trị như nghệ thuật hội hoạ mà ở đó Thầy Phan Văn Trường đã là một nghệ sỹ tài danh thì quyển “Một đời quản trị” đã truyền cảm hứng cho nhiều người cầm bút lên học vẽ. Trong đó có mình.

PHAN VIẾT PHONG