Mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp – đối tác thương mại và là đồng minh lâu đời nhất của cường quốc số 1 thế giới bên kia bờ Đại Tây Dương- đang có nguy cơ trở nên căng thẳng sau khi Pháp trở thành nền kinh tế lớn tiên phong trong việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới – mà đa phần là của Mỹ.
Bất chấp việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đáp trả bằng “thuế quan”, song Quốc hội Pháp vẫn thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn hoạt động tại Pháp, gọi tắt là GAFA (ghép các chữ cái đầu của 4 tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Amazon, Facebook và Apple). Theo lý giải của Paris, luật này nhằm lấp khoảng trống thuế quan của các nước chủ quản – nơi một số công ty công nghệ lớn thế giới hoạt động kiếm lời song lại không chi trả cho những nước này. Do đó, Pháp sẽ đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hằng năm của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số lớn nhất ở nước này. Động thái trên có thể giúp nguồn thu ngân sách của Pháp bổ sung thêm 500 triệu euro (563 triệu USD)/năm, song có thể ảnh hưởng tới khoảng 30 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty Mỹ, ngoài ra có cả Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha…
Tất nhiên, là nước có nhiều tập đoàn chịu thiệt thòi nhất nên Mỹ đã lớn tiếng chỉ trích luật trên, cho rằng loại thuế này là “không công bằng”. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn chỉ thị mở một cuộc điều tra về động thái mà Washington cho là hành vi đối xử kỳ thị của Pháp đối với các doanh nghiệp Mỹ. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiến hành cuộc điều tra theo Đạo luật 301 trong vòng 1 năm nhằm làm rõ kế hoạch thuế của Pháp có gây tổn hại đến các công ty công nghệ của nước này hay không, cũng như xác định có bất cứ hoạt động thương mại không công bằng nào hay không. Tương tự như đối với trường hợp của Trung Quốc, nếu luật GAFA của Pháp bị coi là làm phương hại đến quyền lợi của Mỹ, Tổng thống Trump có thể áp thuế đối với hàng hóa của Pháp để trả đũa.
Cuộc điều tra của Nhà Trắng cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng từ các thành viên hàng đầu trong Ủy ban Tài chính Thượng viện. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban và nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden cùng đưa ra tuyên bố: “Thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp và các nước châu Âu khác đang theo đuổi rõ ràng là bảo hộ và nhắm mục tiêu không công bằng vào các doanh nghiệp Mỹ theo đó sẽ lấy đi việc làm và làm tổn hại đến công nhân Mỹ”.
Bản thân người dân Pháp cũng không hoàn toàn tán đồng với quyết định đánh thuế trên. Ông Giuseppe de Martino – Chủ tịch của hội ASIC – nhóm vận động hành lang ủng hộ các đại tập đoàn công nghệ này đã khuyến cáo Chính phủ Pháp “nên chôn vùi luật GAFA”, bởi theo ông, động thái này chẳng khác gì việc khai mào một cuộc chiến thương mại và sẽ gây tác hại đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, giới quan sát cũng đã tìm hiểu xem mặt hàng nào của Pháp có nguy cơ bị chính quyền Trump áp thuế nhập khẩu để trả đũa như rượu vang hoặc ô tô. Tuy nhiên, đây là hai mặt hàng không gây ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Pháp, mà cái đáng ngại hiện nay là khả năng Washington tăng gấp đôi thuế đánh vào doanh nghiệp và người dân Pháp sinh sống tại nước này. Theo Giám đốc dự án toàn cầu của Quỹ tài trợ thuế, ông Daniel Bunn, nếu Chính phủ Mỹ quyết định “trả đũa” bằng việc đánh thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Pháp thì người tiêu dùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn.
Tuy trở thành nước đi đầu và duy nhất áp dụng thuế GAFA, Pháp vẫn thận trọng tìm cách lôi kéo cả châu Âu cùng tham gia, dù rằng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu năm đã không nhất trí được về đề án thuế GAFA chung cho toàn EU do không được 4 thành viên Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đồng ý. Trong khi vẫn đang phải đợi toàn bộ các nước trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc về việc cải tiến chế độ thuế – một thỏa thuận quốc tế được dự đoán có thể đạt được vào năm 2020, Pháp có thể sẽ “đơn thương độc mã” gánh chịu các đòn trả đũa từ Mỹ. Để tránh tình huống xấu nhất, Paris đã tự tìm cho mình một lối thoát, khi GAFA chỉ mang tính tạm thời và sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.
Theo Báo Hải Quan