Con dấu doanh nghiệp: chuyến du hành chưa hồi kết!

Cho đến thời điểm này – Chúng ta đã trải qua bốn đời Luật Doanh nghiệp, gồm có: Luật Doanh nghiệp năm 1999, năm 2005, năm 2014, và hiện tại là Luật Doanh nghiệp năm 2020. Đó là chưa kể trước đó – chúng ta đã có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân năm 1990.

Mỗi đời Luật Doanh nghiệp nêu trên, đều có quy định về “Con dấu của doanh nghiệp” (chính xác thì Luật Doanh nghiệp năm 2020, đã bỏ từ “Con” – Nghĩa rằng chỉ còn cụm từ “Dấu của doanh nghiệp”)! Tuy nhiên, trải qua các giai đọan “Con dấu của doanh nghiệp” cũng đã được nhà làm luật, quy định đổi thay, từ phức tạp đến giản đơn, từ rất giá trị, đến không rõ có giá trị gì. Nhưng chính đôi khi – mọi rắc rối và lập lờ, lại bắt nguồn từ sự giản đơn.

Luật Doanh nghiệp năm 1999, quy định rất ngắn gọn: “Doanh nghiệp có con dấu riêng theo quy định của Chính phủ”; Đến Luật Doanh nghiệp năm 2005, quy định dài dòng hơn một chút: “Doanh nghiệp có con dấu riêng (…) Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai”.

Mặc dù có sự khác nhau khá lớn trong cách sử dụng ngôn từ và diễn đạt, nhưng tựu chung lại, cả Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005, đều đề cao vai trò con dấu của doanh nghiệp, thậm chí đã đề cao đến mức thái quá. Với quy định: “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp”. Nghĩa là, nếu Văn bản/Hợp đồng của doanh nghiệp, dù đã có chữ ký của Người đại diện theo pháp luật, nhưng nếu chưa được đóng dấu, thì chưa hề có giá trị pháp lý. Đây cũng chính là thời kỳ mà con dấu doanh nghiệp được đăng ký tại và được cấp bởi Cơ quan công an. Doanh nghiệp cũng chỉ có một con dấu duy nhất. Khi thật cần thiết và được Cơ quan công an đồng ý, mới có thể có con dấu thứ hai.

Tuy nhiên – Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời, đã “Điều chuyển” vị trí pháp lý con dấu doanh nghiệp, từ trên trời xuống là là mặt đất! Kể từ đây, con dấu doanh nghiệp không còn được cấp bởi Cơ quan công an. Doanh nghiệp được quyền tự quyết về số lượng con dấu, có thể 10 hay 100 nếu thấy thích, quan trọng hơn doanh nghiệp có thể tự khắc dấu nếu làm được, còn không thì có thể đi khắc dấu tại các nơi khắc dấu chuyên nghiệp tư nhân khác.

Bộ luật này cũng qui định, doanh nghiệp chỉ bị ràng buộc một trách nhiệm duy nhất liên quan đến con dấu: “Trước khi sử dụng, phải thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định này, cũng đã không còn xuất hiện trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Nghĩa là, kể từ đây, doanh nghiệp không còn nghĩa vụ phải thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh nữa. Nôm na là tự khắc, tự quản lý, tự xài…

Như vậy, từ lâu Con dấu của doanh nghiệp KHÔNG còn vai trò “Thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp”. Con dấu doanh nghiệp chỉ phải bắt buộc sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu (Luật Doanh nghiệp 2014) hoặc theo quy định của pháp luật (Luật Doanh nghiệp 2020). Nghĩa rằng đây là một quy định phòng hờ, rằng nếu trường hợp pháp luật có quy định văn bản tài liệu đó phải đóng dấu, thì doanh nghiệp mới bắt buộc phải đóng dấu, ngược lại thì không bắt buộc. Các trường hợp bắt buộc phải đóng dấu ví dụ như: Đơn từ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự; Sổ sách kế toán theo Luật Kế toán…

Điều đó cũng có nghĩa rằng, những Văn bản/Hợp đồng của doanh nghiệp, đã có chữ ký của người có thẩm quyền, đã phát hành ra bên ngoài, nhưng chưa được đóng dấu, có giá trị pháp lý hay không?! Đây là một câu hỏi mà luật đang bỏ ngỏ câu trả lời một cách minh định.

Rõ ràng, không có bất kỳ một quy định pháp luật nào nói rằng: Văn bản/Hợp đồng của doanh nghiệp chưa đóng dấu, thì sẽ bị vô hiệu hay không phát sinh hiệu lực. Dù vậy, thực tế theo truyền thống, thì Người dân khi tham gia giao dịch, vẫn yêu cầu đối tác là doanh nghiệp, phải đóng dấu lên các Văn bản/Hợp đồng, nhằm thừa còn hơn thiếu”.

Tuy nhiên, do con dấu doanh nghiệp được chính doanh nghiệp tự khắc, tự làm, tự sử dụng và cũng không cần phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2020 – từ đó sẽ dẫn đến hệ quả rằng, bà con ta sẽ không biết được, con dấu được đóng lên văn bản đưa cho bà con, có phải con dấu của doanh nghiệp đó không, khi họ có thể có hàng chục thậm chí hàng trăm con dấu. Đồng nghĩa, họ có thể rũ bỏ trách nhiệm, bằng cách nại ra rằng, đó không phải con dấu của họ.

Nói một cách khác đi, thay vì quy định chặt chẽ như trước đây khi doanh nghiệp chỉ có một con dấu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền – hoặc – quy định theo một cách đơn giản nhất, là bỏ luôn quy định về con dấu, tức chỉ cần người có thẩm quyền ký là được; thì pháp luật hiện tại, lại quy định một cách nửa vời không rõ ràng về địa vị và giá trị pháp lý của con dấu doanh nghiệp. Việc quy định nửa vời như vậy, không chỉ gây ra khó khăn cho đối tác của doanh nghiệp, khi phải tự tìm hiểu về quy chế con dấu của doanh nghiệp đó, mà còn gây ra rủi ro cho tự thân chính doanh nghiệp, nếu họ có nội gián hoặc bất hòa từ bên trong.

——

Từ đó cho thấy rằng – Con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đã trải qua được một quãng đường du hành hàng thập kỷ có lẻ. Tuy nhiên, hiện tại nó đang tạm “Đồn trú” tại một “Trạm trung chuyển”, với vai trò và giá trị pháp lý của nó không rõ ràng.

Sự không rõ ràng đó, tiềm ẩn những rủi ro và nhiều tranh chấp có thể xảy ra, mà hậu quả của nó rất khôn lường.

Trước mắt khi tham gia giao dịch với đối tác là doanh nghiệp, bà con cần yêu cầu họ cung cấp cho bà con bản điều lệ hoặc quy chế của họ, trong việc quản lý và sử dụng con dấu, sau đó bà con cần xem qua nội dung quy định trong đó, để biết họ có bao nhiêu con dấu, mẫu mã ra sao, sử dụng thế nào, nhằm xác định độ an toàn, cũng như khả năng rủi ro có thể gặp phải, từ đó có phương án phòng tránh.

Hi vọng, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi trong tương lai sẽ giải quyết dứt điểm, và có câu trả lời quyết đoán về vai trò và giá trị pháp lý của con dấu doanh nghiệp, để không còn những khoảng trống, cho những rủi ro pháp lý liên quan có thể len lỏi, xâm nhập, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tranh chấp và hệ quả đáng tiếc.

Viết tại Sài Gòn, ngày 12/04/2021 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!