Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA) là một chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, nhằm thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các dự án hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng sạch, trọng tâm là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tổ chức tại Glasgow, Scotland.
Chương trình nằm trong đề xuất mở rộng của Chính phủ Anh nhằm giúp huy động tài chính xanh thông qua Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam, bằng cách hỗ trợ các dự án tài chính xanh tại Việt Nam.
Chương trình tập trung vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu như năng lượng tái tạo (ví dụ như điện gió, điện mặt trời), tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải, quản lý rừng bền vững và các dự án có tính bảo vệ môi trường cao.
Bà Anna Gibson – Tham tán về khí hậu của Vương quốc Anh trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đã phân tích rất rõ chương trình CFA khi trao đổi với các cơ quan truyền thông.
Bà Anna Gibson -Tham tán về khí hậu của Vương quốc Anh
Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư
Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA) là một phần trong đề xuất mở rộng hơn của Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ sự nỗ lực tăng trưởng bền vững và đạt trung hòa carbon của Việt Nam. Chương trình CFA rất phù hợp với mục tiêu của “Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng” (JETP) của Việt Nam – nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Sau khi ra mắt Kế hoạch Huy động Nguồn lực cho JETP Việt Nam, Chương trình JETP hiện đang bước vào giai đoạn thực hiện, các đối tác sẽ tập trung cùng nhau thực hiện các cải cách chính sách quan trọng và huy động tài chính cho những dự án năng lượng xúc tác đầu tiên như truyền tải lưới điện,…
Chương trình JETP Việt Nam và Chương trình CFA liên kết chặt chẽ nhờ những hình thức tiếp cận bổ sung cho nhau, nhằm đạt được hiệu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh bền vững và linh hoạt. Các mục tiêu 2 chương trình liên kết được chia sẻ bao gồm:
– Hỗ trợ khu vực tư nhân tìm ra những giải pháp giảm lượng khí thải carbon: Cụ thể là CFA giúp cải thiện khả năng vay vốn của các dự án đổi mới, ít carbon, có thể thu hút nguồn tài chính bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu rộng hơn về năng lượng sạch và không phát thải của Chương trình JETP cũng như của Chính phủ Việt Nam.
– Huy động tài chính khí hậu trên quy mô lớn: Bằng cách kết nối các doanh nghiệp với các nhà đầu tư, CFA hỗ trợ huy động tài chính ở giai đoạn đầu, sau đó có thể chuyển sang các nguồn đầu tư JETP lớn hơn theo thời gian.
– Nâng cao năng lực: CFA giúp nâng cao năng lực kỹ thuật, tài chính và yếu tố hòa nhập của các nhà đầu tư phát triển dự án ở cấp dự án, trong khi Chương trình JETP giải quyết các lĩnh vực này từ cấp hệ thống thị trường rộng hơn thông qua hỗ trợ kỹ thuật có mục tiêu.
– Tác động xã hội: Chương trình CFA còn giúp thúc đẩy tác động xã hội để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng sang nền kinh tế xanh.
Bà Anna Gibson đến thăm công ty Cenergy, một trong những dự án của Chương trình CFA giai đoạn 2.
Thuận lợi, thách thức và các giải pháp đạt hiệu quả cho chương trình CFA
Hiện nay, Việt Nam đã có 67 doanh nghiệp đã đăng ký để tham gia Chương trình CFA trong hai giai đoạn đầu tiên và nhu cầu tham gia CFA đang tiếp tục tăng lên. Điều này thể hiện cam kết rõ ràng và quyết tâm thực hiện của khu vực tư nhân đối với các sáng kiến carbon thấp.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan thuộc Chính phủ đều thể hiện sự quan tâm tích cực đến việc tham gia dự án và hỗ trợ các dự án carbon thấp. Sự hỗ trợ này là rất quan trọng cho thành công của chương trình CFA và rộng hơn nữa là Chương trình JETP của Việt Nam.
Nhà đầu tư, nhà kinh doanh và nhà nước đã chứng tõ những cải thiện đáng kể về mức độ sẵn sàng để nhận được nguồn đầu tư của các dự án thuộc chương trình CFA. Điều này đã được giới quan sát và các nhà đầu tư tham gia Chương trình Tổng kết CFA giai đoạn 2 kiểm chứng. Mức độ hấp dẫn để nhận được đầu tư của các dự án đã được tăng cường về mọi mặt từ kỹ thuật cho đến những phương án tiếp cận về Bình đẳng giới và Hòa nhập xã hội (GESI).
Chương trình CFA Việt Nam hỗ trợ các dự án bằng cách nâng cao năng lực cho từng cá nhân và nhóm trên mọi phương diện: tài chính, công nghệ, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Sự hỗ trợ này sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiến gần hơn đến việc đảm bảo đầu tư và cuối cùng dẫn đến những đổi mới xanh trong cộng đồng trên khắp đất nước.
Tuy vậy, dự án này cũng gặp không ít thách thức. Thách thức lớn nhất mà các dự án trong hệ sinh thái tài chính xanh phải đối mặt là làm thế nào để có thể thu hút các nhà đầu tư. Các dự án carbon thấp thường được coi là có rủi ro cao hơn do thị trường nội địa chưa làm quen với các công nghệ mới và mô hình kinh doanh đổi mới, cũng như thiếu những thành tích điển hình để củng cố niềm tin. Bên cạnh, các rào cản về chính sách và quy định có thể tạo ra những trở ngại đáng kể trong việc tiếp cận vốn trên quy mô lớn.
Để giải quyết những thách thức này, Chương trình CFA Việt Nam giúp các dự án nâng cao trong nhiều khía cạnh: như kỹ thuật và tài chính khiến những dự án này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, xây dựng mạng lưới giữa các nhà đầu tư dự án và các bên liên quan, giúp các dự án có được tầm nhìn và độ tin cậy, điều này có thể nâng cao sức hấp dẫn của các dự án đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Các giao dịch đầu tư có thể mất rất nhiều thời gian và thường là nhiều năm để hoàn tất. Việc cần thực hiện hướng tới việc đơn giản hóa các khung pháp lý và đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để có thể giảm chi phí, giúp các dự án tiến triển dễ dàng hơn. Khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau, bao gồm các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, có thể là một cách tiếp cận tổng hợp hơn để huy động tài chính khí hậu. Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy sự đổi mới, thu hẹp những thách thức về thông tin và đảm bảo sự gắn kết của các mục tiêu tài chính khí hậu công – tư.
Bà Anna Gibson cùng đồng nghiệp thăm nhà máy Cenergy
Nổ lực của Việt Nam cần có để thực hiện cam kết COP26
Nước Anh là quốc gia đầu tiên đưa ra mục tiêu giảm phát thải có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Đạo luật Biến đổi Khí hậu vào năm 2008 đến 2025. Luật này bao gồm cả việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Đạo luật cung cấp một điểm tham chiếu quan trọng cho chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đó là cần có tư duy và hành động dài hạn trước một thách thức lớn như biến đổi khí hậu.
Hành động khí hậu của Vương quốc Anh bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Năm qua, những nguồn điện này đã đóng góp hơn 36% sản lượng điện vào lưới điện của quốc gia. Nhờ đó, nước Anh dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn than trong ngành điện vào cuối năm nay. Điều này thật đáng chú ý nếu xét đến lịch sử của Vương quốc Anh – cái nôi của cuộc Cách mạng Công nghiệp vận hành bằng than.
Một bài học không kém phần quan trọng, là sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Đạo luật về Biến đổi Khí hậu và mục tiêu trung hòa carbon gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các doanh nghiệp rằng họ sẽ cần đổi mới và giảm lượng khí thải trong những thập kỷ tới. Chính phủ Anh trực tiếp khuyến khích các ngành công nghiệp giảm lượng khí thải bằng cách định giá carbon thông qua Hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Vương quốc Anh cũng là trung tâm tài chính xanh, nơi đang giúp huy động tài chính tư nhân cho các dự án bền vững thông qua những đổi mới như trái phiếu xanh.
Bên cạnh những hành động trong nước, Chính phủ Anh cũng đã và đang hỗ trợ các nước trong đó có Việt Nam hành động vì khí hậu. Mục đích của chương trình là đưa ra tầm nhìn về việc giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030, xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu trong hiện tại và tương lai, đồng thời ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học.
Dự án nổi bậc nằm trong Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) giai đoạn 2
Mỗi dự án đều có những đặc điểm riêng và đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Một trong những dự án trong giai đoạn 2 của Chương trình CFA là Cenergy – một công ty tiên phong chuyên về các giải pháp năng lượng tiên tiến thông qua việc phát triển và triển khai Pin dòng oxy hóa khử. Đã có cái nhìn trực tiếp và nhận xét về những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ năng lượng của Cenergy. Những tiến bộ đó có tiềm năng thúc đẩy các giải pháp công nghiệp bền vững ở Việt Nam. Những nỗ lực của Cenergy đã truyền cảm hứng cho sự cởi mở và đổi mới. Tôi cũng vô cùng tự hào rằng Chính phủ Vương quốc Anh đã có thể hỗ trợ họ và nhiều dự án carbon thấp thú vị khác thông qua Chương trình CFA Việt Nam.
Tại Việt Nam, đối tác của Anh đã hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp như BritCham và EuroCham, cũng như với các đối tác tài chính quốc tế và Vương quốc Anh thông qua liên minh GFANZ. Các dự án thành công ở Việt Nam có thể hưởng lợi từ các mạng lưới này. Mạng lưới sẽ tạo điều kiện kết nối họ với các công ty Vương quốc Anh, tập trung vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và các hoạt động bền vững.
Sự kiện nổi bậc trong thời gian vừa qua, chính phủ Anh đã công bố số tiền hỗ trợ lên tới 40 triệu bảng để gia hạn chương trình CFA từ cuối năm 2024 đến năm 2029. Điều này sẽ giúp hỗ trợ ít nhất 800 dự án carbon thấp tại 16 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam.
Yêu cầu chính yếu để các doanh nghiệp Việt nhận được sự hỗ trợ gia hạn này là có trụ sở tại Việt Nam, các dự án chứng minh được tiềm năng giảm thiểu carbon, đảm bảo đóng góp cho các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam và chứng minh tác động tích cực là có lợi cho môi trường và xã hội.
Thách thức và cơ hội của Việt Nam về mục tiêu phát triển kinh tế bền vững
Việt Nam đang có nhiều cơ hội tuyệt vời để theo đuổi các mục tiêu phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, đi từ những cam kết, mục tiêu và chính sách đang được thực thi cùng với các giải pháp đổi mới được triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, việc cân bằng trong tăng trưởng, bền vững và hòa nhập là thách thức vô cùng lớn đối với tất cả các nền kinh tế. Nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng toàn diện để hỗ trợ các hoạt động bền vững, đặc biệt là về năng lượng, giao thông và quản lý chất thải là vô cùng thiết yếu. Việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế không gây tổn hại đến môi trường và các mục tiêu khí hậu cần phải có sự đầu tư lớn và phối hợp chính sách.
Để nắm bắt những cơ hội này, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề phức tạp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế và tính toàn diện xã hội. Muốn vậy, Việt Nam vừa cần phải thúc đẩy những ngành công nghiệp xanh, vừa hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, vừa đảm bảo lợi ích tăng trưởng xanh được phân bổ công bằng giữa các khu vực và cộng đồng khác nhau.
Đối diện với những thách thức này, Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển bền vững. Qua Chương trình hợp tác JETP, cho thế giới thấy Việt Nam đang thực hiện những hành động thực tế và có sự lãnh đạo rõ ràng để thúc đẩy những chương trình nghị sự quan trọng. Những nỗ lực hợp tác của Chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế như Vương quốc Anh, cùng với sự quyết tâm và linh hoạt của người dân Việt Nam sẽ mang tới nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những thách thức và đạt được sự phát triển bền vững lâu dài.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA) của Vương quốc Anh là một chương trình hợp tác mở rộng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, nhằm thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các dự án và hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Trọng tâm chương trình là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA) là một minh chứng điển hình cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.