Bài học cho Sales – ACTION! Sợ thì sợ – làm cứ làm: hiểu cơ chế não để vược qua nỗi Sợ, Ngại và Ngán

Tại sao có những người trong chúng ta hiện thực được mục tiêu, hoài bão, ước mơ nhưng đa phần chúng ta bỏ cuộc?

Hôm nay, quay video bên ngoài lúc nhiệt độ -8 độ C, cùng băng tuyết và gió phần phật thì tôi lại càng thấm thía một điều và muốn chia sẻ với các bạn.

Bởi vì để đạt ước mơ, đam mê và hoài bão thì trên chặng đường chúng ta sẽ phải thực hiện rất nhiều điều mình sợ, ngại, hay KHÔNG “cảm thấy thích làm”. Con đường đạt đến đích thành công sẽ êm ái biết bao nhiêu nếu trên từng chặng đường… mình được làm những điều mình yêu thích!

Ngay cả trong một dự án hay khởi nghiệp… chúng ta ao ước mở một doanh nghiệp, hay hoàn thành một dự án, nhưng trên chặng đường ta sẽ gặp và phải làm bao nhiêu thứ mà mình không đam mê tí nào.

Tôi hoạt động một công ty nhỏ với chuyên môn là tác giả và diễn giả. Tôi yêu thích được đứng trước các bạn và học trò để chia sẻ giúp cuộc sống mọi người thành công và hạnh phúc hơn. Nhưng để làm được điều đó thì tôi phải làm bao nhiêu việc mà tôi rất ngại và không ”cảm thấy muốn” làm. Tôi đam mê công việc sáng tạo, phát triến ý tưởng, xây dựng thương hiệu, tương tác với khách hàng. Nhưng tôi sợ công việc hành chánh, sổ sách giấy tờ, và đặc biệt là sợ “ SALE” (bán hàng).

Nhưng khổ nỗi, không có SALE thì sẽ không có “business”, không có khách hàng, không có khán giả!!! Không bàn cãi gì cả… SALE là huyết mạch của một business.

Biết được nỗi sợ của mình, tôi tìm mọi cách học hỏi về tâm lý, về cơ chế não, và kỹ năng để khắc phục vì tôi ý thức rằng tôi là doanh nghiệp nhỏ, tôi không có một bộ phận sale để làm thay cho tôi mà chính bản thân tôi cũng phải là một “sales representative”. Thêm vào đó trong thời buổi ngày nay, để thành công thì mỗi thành viên của một công ty (từ sếp cho đến nhân viên, từ HR cho đến bảo vệ chứ không cần phải nhân viên sale) phải nên là một “sales representative” cho công ty.

Điều tôi đã học và áp dụng hiệu quả khi tôi đọc được những tài liệu nghiên cứu của bác sĩ thần kinh Antonio Damasio – bậc thầy của Mỹ về não và thần kinh học. Ông nhận xét rằng 95% cảm giác “feelings” quyết định một hành động của chúng ta. Chúng ta quyết định đa phần dựa vào cảm giác lúc đó (feelings) chứ không phải là do suy nghĩ (thinking). Lý do ông ta đưa ra được kết luận này vì ông nghiên cứu những người bị chấn thương về thần kinh. Những bệnh nhân có bộ phận thần kinh làm cho ta “cảm được” bị bại liệt thì mất đi khả năng quyết định mặc dù bộ phận quản lý lý trí của não vẫn còn hoạt động tốt. Họ mất khả năng quyết định: từ những hoạt động đơn giản như không biết quyết định sẽ mang giày nào, nói với ai cái gì hay không hay, mặc áo gì, ăn cái gì.

 

Vậy là ta quyết định làm điều gì đa phần là do ta có “cảm thấy thích và muốn” làm điều đó hay không. Khổ nỗi… trong cuộc sống những điều mà ta “cảm thấy thích và muốn” làm đa phần là để gây “pleasure” (sướng), chứ không phải tạo ra sự mệt mỏi cực nhọc. Các bạn đồng ý 100% với tôi ở đoạn này không? (Viết đến đây tôi không khỏi nhịn được cười). Cơ chế não cũng tìm mọi lý do để “xúi giục” ta làm cho nó “sướng” chứ nó không muốn xáo trộn, cực nhọc, và căng thẳng.

Và cũng khổ nỗi, đa số những việc mình KHÔNG “cảm thấy thích và muốn” làm như thức dậy sớm, đọc thêm một tài liệu, tìm và gặp thêm một khách hàng, giải quyết mâu thuẫn hay sự cố, thuyết phục người khác, ăn kiêng cữ, tập thể dục, ráng lên một tí… thì mới là những hoạt động nho nhỏ giúp ta đạt đến đích thành công. (Oái ăm thế!)

Vậy thì làm sao đây? Làm sao tôi có thể làm những điều mà tôi KHÔNG “cảm thấy muốn làm”?

Câu trả lời là ACTION!

Hôm nay hầu như không ai ra đường và các cửa hàng, trường học, công sở đóng cửa ở Atlanta Georgia vì nhiệt độ quá lạnh và bão tuyết -8 độ C. Tuy nhiên, tôi mong muốn quay những thước phim đẹp này cho các bạn Việt Nam. Tôi nghĩ người sống ở vùng nhiệt đới thì hầu như không bao giờ có trải nghiệm này. Nhưng tôi KHÔNG “cảm thấy muốn” ra khỏi nhà vì sợ cái lạnh, cái nguy hiểm. Hơn nữa, không ai muốn làm việc lúc này, bây giờ phải đi thuyết phục nhân viên. Rất nhiều lý do…

Tuy nhiên tôi cứ leo lên xe và chạy ra đường… ACTION! Thế là lúc này não chưa kịp tìm đủ lý do ngăn chặn tôi, “hù dọa” tôi… Và khi tôi ACTION rồi thì như một “momentum” (cái đà), não tôi thay vì tìm lý do ngăn chặn hù dọa thì chuyển sang đi tìm hướng giải quyết (ai quay, quay làm sao, giữ ấm như thế nào, xử lý âm thanh làm sao khi gió bão cứ bần bật…). Ha ha… Và rốt cuộc mọi chuyện cũng xong xuôi! Hooray!

Lúc trẻ, tôi có tật không bao giờ dậy sớm được. Khi còn độc thân thì nổi tiếng là “chuyên gia đi làm trễ” (quê lắm nhưng vẫn không khắc phục được). Để bù lại thì tôi thường ra khỏi công ty rất muộn. Khi có gia đình và 2 con nhỏ, công việc và trách nhiệm chồng chất… thì tôi nhận ra rằng chỉ có việc thức dậy sớm mới giải quyết những “tắc nghẽn giao thông”. Thế là tôi để đồng hồ báo thức lúc 5:30 sáng, và khi chuông reo là không để cho não kịp “cảm thấy thích hay không thích”, tôi bật ra khỏi giường trước khi não “xúi giục” tôi làm những hành động mang lại pleasure (sướng): nằm thêm một chút nữa, cái giường này thật ấm, cái gối này êm, cái chăn này thật mềm mại…

Đến ngày hôm nay, tôi thường xuyên có thể dậy lúc 3 giờ sáng chuẩn bị đồ ăn cho con, chuẩn bị hành lý, lái xe ra phi trường, bay 22 tiếng và khi đến nơi vẫn tiếp tục làm việc, đứng trước khán giả mà vẫn còn năng lượng để truyền lửa.

Và cứ thể tôi áp dụng ACTION cho những hoạt động khác như gọi lạnh (cold call), bắt chuyện với một người lạ, nối kết với một nhân vật nhiều ảnh hưởng, tiếp cận một key account mới, rèn luyện những bài tập thể lực, chạy bộ, đẩy tạ, tham gia, bắt đầu một dự án mới, theo đuổi một hoài bão mà mình ấp ủ…

À! ACTION sẽ xây dựng và vun đắp lòng dũng cảm cho chúng ta. Các bạn hãy nhớ lại bộ phim của những người lính ở chiến trường không? Khi thủ lĩnh ra lệnh “Attack!”, các chiến binh chưa kịp cảm thấy gì thì đã xông lên. Ai mà còn chần chừ để cho cảm giác tràn vào thì sẽ bị nỗi sợ làm tê liệt… và họ bị bỏ lại phía sau.

ACTION!

Giống như một cơ bắp, khi ta càng luyện thì cơ bắp càng to và săn chắc. Sau một thời gian thì nó trở thành một phần của bản năng. Ta cảm thấy tràn trề một sức sống mới, năng lượng mới trong một cơ thể mới với tư duy mới.

Rất mong nghe các bạn và các em chia sẻ những khó khăn cũng như áp dụng được điều gì qua ACTION!

LAN BERCU